1. Lần đầu tiên, ngành Đường sắt vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ đến dự Lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang – Sài Gòn.
Ngày 26/1, tại ga Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã dự Lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang – Sài Gòn. Đây là dự án có tổng chiều dài 411km với mức đầu tư gần 1.099 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải cũng như thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Việc lần đầu tiên Thủ tướng dự Lễ khởi công công trình ĐS trong ngày đầu năm mới 2023 đã thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với hoạt động GTVT ĐS nói chung và Tổng công ty ĐSVN nói riêng.
2. Bộ GTVT quyết định cho phép khai thác hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Kép sau 27 năm. Khai trương tàu chuyên tuyến Thạch Gia Trang – Yên Viên.
Nhằm giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và tại 2 ga liên vận quốc tế là Yên Viên và Đồng Đăng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển liên vận quốc tại Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, giảm thời gian thông quan hàng hóa, ngày 19/1/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 42/QĐ-BGTVT cho phép ga Kép được đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế.
Sau gần 1 tháng chuẩn bị, ngày 18/2/2023, Tổng công ty Đường sắt VN đã chính thức khai trương hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Kép (thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Như vậy, sau 27 năm đã có thêm 1 ga liên vận quốc tế mới được đi vào hoạt động trên mạng lưới Đường sắt Việt Nam.
Sau Bắc Giang, ngành đường sắt đã làm việc với tỉnh Bình Dương để xúc tiến tổ chức lại ga liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, tổ chức các kho ngoại quan ICD, logistics; làm việc với tỉnh Hải Dương để nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá trở thành ga liên vận quốc tế và sắp tới sẽ xúc tiến làm việc với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước để hiện thực hoá mục tiêu đưa cửa khẩu hải quan vào sâu trong nội địa.
Đặc biệt, vào ngày 2/8/2023, tại ga Yên Viên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức lễ đón chuyến tàu đầu tiên chuyên tuyến Thạch Gia Trang (Trung Quốc) - Yên Viên (Việt Nam). Đây là sự kiện đánh dấu nỗ lực kết nối của doanh nghiệp 2 nước, rút ngắn thời gian vận chuyển, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục xuất/nhập khẩu hàng hóa, hiện thực hoá chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.
3. Ra mắt tàu chất lượng cao tuyến Hà Nội – Đà Nẵng
Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và gia tăng các tiện ích phục vụ hành khách, ngày 20/10/2023, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức Lễ ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội – Đà Nẵng mang số hiệu SE19/20.
Đoàn tàu chất lượng cao đã được đầu tư cải tạo lại với nhận diện riêng và gia tăng tính thẩm mỹ như: Sơn mới và đầu tư một số trang thiết bị nội thất nâng cấp các toa ghế ngồi, toa giường nằm Hệ thống điều hòa được thiết kế để khách có thể tự điều chỉnh nhiệt độ và hướng gió theo nhu cầu. Các tiện ích được cải thiện, giá vé không thay đổi nhằm thu hút hành khách tuyến Hà Nội - Đà Nẵng nhất là với khách du lịch.
Song song với việc đổi mới trang thiết bị và chất lượng phục vụ, dịch vụ trên tàu, tại ga Hà Nội và một số ga lớn, ngành ĐS cũng triển khai đưa vào khai thác phòng đợi VIP . Theo đó, hành khách đi tàu chất lượng cao sẽ được bố trí phòng ngồi đợi tàu và có lối ra ga, lên tàu riêng. Ngoài ra tại ga Hà Nội còn cung cấp dịch vụ cho du khách ngay khi đến hoặc xuống ga có thể thuê xe máy để đi tham quan danh lam thắng cảnh của Thủ đô.
Đặc biệt, ngày 22/12/2023 vừa qua, lần đầu tiên ngành ĐS đã đưa dịch vụ tổ chức lễ cưới cho khách hàng trên chuyến tàu Đà Lạt – Trại Mát. Với phương thức trải nghiệm mới, dịch vụ mới, ngành đường sắt mong muốn ĐS không chỉ là loại hình vận tải thuần tuý mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa và di sản. Những hình ảnh ấy đang tạo nên diện mạo mới của Đường sắt Việt Nam, được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao
Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp kinh doanh vận tải ĐS có lãi. Công tác chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ ngày một tốt hơn, giúp người lao động phấn khởi, yên tâm công tác. Phong trào văn hoá, thể thao được đẩy mạnh. Đặc biệt, tại Hội diễn văn nghệ Kỷ niệm 5 năm thành lập Uỷ ban QLV tại DN, Tổng công ty vinh dự giành 1 HCV, 2 HC Bạc. Năm 2023, thu nhập của NLĐ tăng 6%.
4. Phong trào “Đường tàu - đường hoa”
Thực hiện mục tiêu phát triển môi trường ĐS bền vững, tháng 3/2023 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phát động phong trào “Đường tàu - Đường hoa”. Với sự phối hợp tích cực của chính quyền các địa phương, phong trào được phát động sâu rộng, thu hút sự tham gia đông đảo của NLĐ và nhân dân 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua. Với phương châm “Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến”, phong trào đã góp phần xây dựng môi trường ĐS bền vững, phát huy tiềm năng khu ga. Theo thống kê đến tháng 12/2023, toàn ngành đã trồng được gần 70 km cây, hoa các loại; thu dọn hàng nghìn tấn rác thải; môi trường khu ga và của người dân dọc 2 bên ĐS đã được cải thiện rõ rệt.
Nằm trong kế hoạch đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hỗ trợ vận tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, từ tháng 6/2023, ngành ĐS đã chính thức Khai trương cà phê Hoả xa tại ga Long Biên. Sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, cà phê Hoả xa đã trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước; được đưa vào danh sách những điểm tham quan trên bản đồ du lịch Hà Nội.
Cũng trong năm 2023, Đường sắt Việt Nam đã được giới thiệu trong cuốn “Amazing Train Journeys” của Lonely Planet- là ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Trong đó tuyến đường sắt Bắc- Nam của Việt Nam được bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất Thế giới. Đây không chỉ là vinh dự của CBCNVC lao động Ngành ĐS mà còn là niềm tự hào của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch Thế giới. Vì vậy, hiện Tổng công ty đang tích cực phối hợp với các đơn vị du lịch để cho ra mắt các sản phẩm du lịch mới để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế này.
5. Tai nạn GT Đường sắt: giảm ở cả 3 tiêu chí.
Năm 2023, ĐSVN tiếp tục hoàn thành mục tiêu giảm tai nạn giao thông ĐS trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể so với cùng kỳ số vụ tai nạn giảm 5,1%, số người chết giảm 5,8% và số người bị thương giảm 5,6%. Để có được kết quả đó, ngành ĐS đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước chủ động triển khai Quyết định số 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt; trong đó có việc rào đóng các lối đi tự mở nguy hiểm. Đến nay đã giảm được 1205 lối đi tự mở băng qua đường sắt.
6. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ, thời gian qua Tổng công ty ĐSVN đã trọng tâm: chuyển đổi toàn bộ các quy trình nghiệp vụ của các khối sản xuất từ việc cập nhập dữ liệu thủ công sang dữ liệu số; ứng dụng có hiệu quả các phần mềm như: lõi quản trị hàng hóa; hệ thống quản lý văn bản và điều hành Eoffice; cơ báo điện tử; mở rộng và gia tăng các dịch vụ tiện ích; tăng cường việc mở rộng việc quảng bá, truyền thông, tương tác với khách hàng trên các nền tảng số như trên website, ứng dụng di động, mạng xã hội: Zalo, Facebooks, Youtube….
Nghiên cứu phát triển các phần mềm, tiện tích giá trị gia tăng trên các nền tảng dịch vụ của Tổng công ty ĐSVN như: nghiên cứu và thử nghiệm thành công ki-ốt bán vé tự động; ứng dụng mua sắm đặc sản vùng miền trên các đoàn tàu khách thông qua mã QRCode…
Hiện, Tổng công ty đang tập trung vào việc nghiên cứu giải pháp xây dựng hệ thống mạng LAN nội bộ trên tàu nhằm tạo nền tảng cơ sở hạ tầng mạng cho các hệ thống, phần mềm dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng, đưa wife lên tàu; tăng cường phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Mobiphone tiếp tục triển khai việc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, toàn diện.
Về đối ngoại, hợp tác quốc tế, ĐS tiếp tục liên hệ với các tổ chức ĐS quốc tế như UIC, OSZD, GMRA, Mê Kông – Lan Thương để hợp tác, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trên các lĩnh vực: Công nghiệp, cơ khí, điều hành, công nghệ… chuẩn bị sẵn sàng cho việc vận hành ĐS tốc độ cao, ĐS mới…
7. Mở các lớp Liên kết đào tạo Đại học, Thạc sỹ
Ngày 11/8/2023, Trường Cao đẳng Đường sắt đã Khai giảng 2 lớp Đại học khóa 74 với hình thức vừa làm vừa học, chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Xây dựng cầu-đường sắt và chuyên ngành Quản lý và điều hành vận tải đường sắt, theo chương trình liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải với Trường Cao đẳng Đường sắt.
Đồng thời nhà trường còn liên kết mở các lớp đào tạo bảo trì đường sắt, công nghệ hàn ray thuộc Dự án Nâng cao năng lực quản lý An toàn ĐS tại Việt Nam bằng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc
Đặc biệt Trường Cao đẳng ĐS lần đầu tiên liên kết tổ chức thi tuyển lớp đào tạo thạc sỹ, dự kiến khai giảng tháng 1/2024. Đây là một hướng đi mới trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động ngành ĐS; chuẩn bị nhân lực chuyên ngành liên quan phục vụ việc khai thác, vận hành ĐS tốc độ cao của Tổng công ty ĐSVN trong tương lai.
8. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023
Từ ngày 17 - 28/11/2023, Tổng công ty ĐSVN đã vinh dự đồng hành phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức thành công Lễ hội thiết kế, sáng tạo Tp. Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy”. Trong đó đã tổ chức 60 hoạt động văn hóa, giới thiệu 4 công trình kiến trúc, 20 cuộc trưng bày và triển lãm, chuỗi sự kiện cộng đồng tại nhiều địa điểm như tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Gia Gia Lâm và đặc biệt, không gian sáng tạo chính được đặt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
Với lịch sử 142 năm hình thành và phát triển của Đường sắt Việt Nam, đây là lần đầu tiên những “di sản sống” được giới thiệu tới người dân thủ đô và du khách, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế
Nằm trong khuôn khổ của chuỗi hoạt động này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn tổ chức chuyến tàu đặc biệt mang tên "Hành trình Di sản," với hành trình qua các ga Hà Nội – Long Biên – Gia Lâm và nhiều hoạt động âm nhạc trải nghiệm trên tàu.
Nằm trong khuôn khổ của chuỗi hoạt động này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn tổ chức chuyến tàu đặc biệt mang tên "Hành trình Di sản," với hành trình qua các ga Hà Nội – Long Biên – Gia Lâm và nhiều hoạt động âm nhạc trải nghiệm trên tàu, trong 10 ngày diễn ra sự kiện đã có hơn 200 nghìn lượt du khách đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm tham gia Lễ hội.
9. Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế; kiện toàn nhân sự cấp cao
Năm 2023, ngành ĐS đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Ủy Ban quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan trong việc đề xuất cơ chế, giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách như: Ban hành Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Nghị định 65/2018/NĐ-CP liên quan đến lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng đầu máy toa xe; tháo gỡ vướng mắc trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng ĐS quốc gia; cơ chế giao vốn bảo trì hàng năm…
Đặc biệt là hoàn tất quá trình kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao với việc bổ nhiệm 03 chức danh đó là: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và Phó TGĐ Tổng công ty ĐSVN.
Thực hiện Quy định số 87-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước, Tổng công ty ĐSVN đã hoàn thành việc hợp nhất; ổn định tổ chức, sắp xếp, kiện toàn lại các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng phù hợp với thực tiễn; đảm bảo đồng bộ với mô hình chung của hệ thống chính trị, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước.
10. 2 người được cứu sống, 135 hành khách được trả lại tài sản để quên trên tàu với số tiền gần 1 tỷ đồng
Những năm qua, ngành ĐS có nhiều tấm gương Người tốt việc tốt tạo sức lan toả mạnh mẽ, trở thành nét đẹp trong văn hoá ứng xử của công nhân, lao động ngành ĐS.. Trong năm, đã có 135 trường hợp hành khách được trả lại tài sản để quên trên tàu với tổng số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng cùng nhiều tài sản, hiện vật có giá trị khác; hỗ trợ đỡ đẻ cho 02 hành khách sinh con trên tàu an toàn. Điển hình là vào sáng 31.8.2023, chị Phạm Thị Hường, công nhân Cung Thông tin tín hiệu Cầu Giát thuộc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh đang làm nhiệm vụ kiểm tra thiết bị thông tin tín hiệu tại đường ngang km270+740 khu gian Cầu Giát - Yên Lý thì bất ngờ phát hiện một người đàn ông không chú ý quan sát, cố vượt qua đường ngang khi cần chắn đã hạ và có chuông, đèn cảnh báo tàu hàng HH73 sắp chạy tới. Chị Hường đã dũng cảm lao ra kéo người đàn ông ra khỏi đường sắt khi đoàn tàu đang lao qua với tốc độ cao, cứu người đàn ông thoát chết trong gang tấc. Hay trường hợp anh Chu Văn Đại, cán bộ Cung cầu Cẩm Lý (Công ty Đường sắt Hà Lạng) dũng cảm lao xuống dòng sông chảy xiết cứu người đã thật sự khiến người xem xúc động, có sức lan toả mạnh mẽ và trở thành niềm tự hào của hơn 2,2 vạn cán bộ, công nhân lao động đường sắt.
Với những nỗ lực, gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên, lao động ngành Đường sắt, ngày 14/11/ 2023, tại phiên họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trực tuyến với các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương, khen ngợi Tổng công ty ĐSVN về việc đưa vào khai thác tàu chất lượng cao SE19/20; khơi thông ĐS liên vận quốc tế; làm tốt công tác bán vé phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết… Đây là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần lớn lao để tập thể cán bộ, công nhân viên, lao động Ngành ĐS tiếp tục đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.